Sự tiến hóa của chiến tranh trong thời kỳ hiện đại (phần 2)
Sự cần thiết của hệ thống quan liêu và nền công nghiệp quốc phòng
Ở phần trước, chúng ta đã biết về một bước ngoặt tiến hóa, có lẽ là quan trọng và khác biệt nhất trong lịch sử, của chiến tranh. Cụ thể, đó là sự chuyển biến từ thứ mà nhà lí luận quân sự Liên Xô G. S. Isserson gọi là “chiến lược của những điểm đơn lẻ” (strategy of a single point) sang “chiến lược của những mặt trận liên tục” (strategy of continuous front). Từ giữa thế kỉ 19 trở đi, các đạo quân trở nên phình to ra; sự tiến bộ về công nghệ liên lạc, giao thông, về tầm với và độ chính xác của hỏa lực đã khiến cho khả năng kiểm soát lãnh thổ của chúng ngày càng mở rộng; trong khi nguồn lực của toàn bộ một quốc gia của chúng được “mở khóa” cho những đạo quân này thông qua chủ nghĩa dân tộc. Tất cả những thay đổi này đã đẩy chiến tranh lên một thực tại quân sự (military reality) mới, cũng mang tính long trời lở đất như là cái cách mà ngành vật lí trải qua một bước chuyển hệ hình (paradigm shift) khi hệ thống vật lí cơ học cổ điển của Newton được thay thế bởi vật lí lượng tử và tương đối của Einstein và Heinsenberg.
Theo truyền thống của Clausewitz, một nhà lí luận quân sự hay một vị sĩ quan chỉ huy chỉ cần giới hạn mối quan tâm lí thuyết của mình ở phạm vi sự chuyển biến nói trên là đủ, ở trong bản thân việc tiến hành chiến tranh (actual conduct of war). Nếu anh ta mở rộng phạm vi suy xét đến cả những yếu tố chính trị, xã hội có ảnh hưởng đến việc hình thành chính sách chiến tranh, thì việc có một lí thuyết dẫn đường thống nhất là bất khả thi (do có quá nhiều biến số). Quả thật, khi Clausewitz viết ra kiệt tác Bàn về Chiến tranh của mình, có những thứ ông ta buộc phải tối giản hóa để cho lí thuyết của mình có thể triển khai được, ví dụ như việc ông không nói gì đến sự đa dạng, đa cực của thực thể ra chính sách (policymaking entity), mà ông coi nó như một thực thể thống nhất, và mối quan tâm của người lính, người chỉ huy quân sự đơn giản là làm thế nào để phục vụ được tốt nhất cho mục tiêu chính trị đó. Thêm vào đó, Michael Handel tranh luận rằng Clausewitz may mắn khi sống ở một thời điểm chuyển giao, khi mà nhiều yếu tố phức tạp về chiến tranh, chính trị và công nghệ mà chúng ta chứng kiến hiện nay vẫn còn chưa quá iphức tạp, nên ông ta mới có thể soạn được một lí thuyết khá tổng quát về chiến tranh.
Việc khám phá những thứ đã trở nên phức tạp hơn hoặc không được bàn đến đó chính là mục tiêu của bài này, không phải để bác bỏ Clausewitz, mà để tiếp thêm cho tính vượt thời gian của lí thuyết của ông. Những chủ đề đó bao gồm: mối quan hệ quân sự-dân sự, nền công nghiệp quốc phòng, sự mở rộng cũng như chuyên sâu quá của bộ máy quân sự và những ám chỉ của nó, chiều kích đạo đức của chiến tranh và lí thuyết về chiến tranh chính đáng (just war theory).“Đối với một người bình thường, mọi vấn đề đều bắt nguồn từ Thế chiến thứ Hai; đối với một người hiểu biết hơn, bắt nguồn từ Thế chiến thứ Nhất; đối với một sử gia thực thụ, từ Cách mạng Pháp.”
(Erik von Kuehnelt-Leddihn, Leftism Revisited: from de Sade and Marx to Hitler and Pol Pot)
Thật khó có thể tóm tắt lại ý nghĩa của Cách mạng Pháp qua vài dòng và làm người đọc hiểu được tầm vóc vĩ đại của nó. Thế giới trước khi Cách mạng Pháp xảy ra và sau khi nó xảy ra không còn giống nhau nữa. William Doyle trong quyển The Oxford History of the French Revolution nhận xét rằng Cách mạng Pháp gây ra vô số thay đổi xã hội, một số mang tính tạm thời, một số là vĩnh viễn, nhưng tựu trung lại nó là một bước ngoặt văn hóa (cultural transformation). Trước đó, mặc dù chủ nghĩa cộng hòa (republicanism) đã xuất hiện vào thời cổ đại, nhưng chủ nghĩa quân chủ (monarchism) đã thắng thế và trở thành mô hình chính trị thống trị suốt gần 18 thế kỉ trên toàn thế giới. Sau Cách mạng Pháp, chính trị chuyển từ chính trị triều đình (court politics) thành chính trị đại chúng (mass politics). Chính trị không chỉ còn là chuyện của các vua chúa, quý tộc nữa, mà là chuyện của nhân dân. Mà nhân dân thì đông đảo, đa dạng, “lắm chuyện”. Một loạt các tư tưởng mới có cơ hội đi vào đối thoại chính trị chính thống: chủ nghĩa cánh tả, chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa chủng tộc, chủ nghĩa toàn trị, chủ nghĩa vô chính phủ, các phiên bản khác nhau của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tập thể, cộng thêm các mối quan tâm về luân lí, về tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, etc. Cách mạng Pháp đánh dấu một sự “bung nở” của các tư tưởng chính trị. Thứ quan trọng nhất trong số này, chủ nghĩa quốc gia dân tộc (nationalism), đã được bàn đến một phần ở phần trước.
Cách mạng Pháp, thông qua việc bãi bỏ một phần và tạm thời quyền lực quân chủ, đã giải phóng ra các lực lượng và tư tưởng dân sự vốn bị kìm kẹp, đè nén trong chế độ cũ, cho cơ hội cho những tư tưởng của lực lượng này được rèn giũa, vun đắp; rồi các cuộc chinh phạt của Napoleon đã tạo cơ hội để chúng được phổ biến ra khắp châu Âu, và sau này là thế giới. Hiệu ứng chung của chúng bao gồm hai mặt:
a) Đầu tiên, nó làm in đậm sâu thêm chiều kích tư tưởng của các cuộc chiến sau này, biến chúng không còn đơn thuần là các cuộc tranh giành ảnh hưởng địa chính trị. Mặc dù trước đấy lịch sử đã chứng kiến những cuộc chiến tranh có đậm tính tư tưởng như Thập tự chinh hay Chiến tranh Ba mươi năm (giữa người theo Tin Lành và người theo Công Giáo), những cuộc chiến đó chưa phải là lệ thường (norm). Trái lại, từ 1815 đến nay, ít có cuộc chiến tranh nào lại không có một chiều kích tư tưởng sâu sắc đối với nó, bất kể là giữa hai dân tộc đối đầu với nhau (chủ nghĩa dân tộc), hay giữa hai hệ thống chính trị-xã hội (chủ nghĩa cộng sản vs tư bản). Những lí do cho chiến tranh vốn trong quá khứ được coi là điều bình thường như chiến tranh vì quyền lực hay vì vinh quang thì trong thời hiện đại trở nên không thể chấp nhận được.
b) Cách mạng Pháp đem lại xu hướng thế tục hóa, xu hướng quân bình hóa, dân chủ hóa trong xã hội, xu hướng lý tính hóa trong chính trị. Một cách châm biếm, chính việc xóa bỏ những thế lực thể chế cũ trong xã hội cũ như nhà thờ, các nghiệp đoàn (guild), sự phân tách vùng miền, etc. không những không làm con người tự do hơn, mà lại mở đường cho quyền lực của chính phủ được mở rộng hơn, chạm tay vào mọi ngóc ngách của xã hội hơn. Rousseau viết rằng “quyền lực chính đáng nên bắt ép con người phải tự do” trở thành một kim chỉ nam thuận tiện cho các thế hệ nhà cầm quyền sau này. Chủ nghĩa cá nhân (individualism) vô hình chung lại dẫn đến chủ nghĩa nhà nước (statism). (*) Xu hướng lí tính hóa trong chính trị cũng dẫn ý tưởng rằng con người ta có thể dựa trên lý tính (rationality) để cải tạo xã hội, biến nó thành một nơi tốt hơn (chủ nghĩa kiến tạo - rationalist constructivism theo như cách gọi của F. A. Hayek). Bắt đầu từ thế kỉ 19, tăng tốc trong thế kỉ 20 và 21, xuất hiện ngày càng nhiều những dự án kiến tạo xã hội (social engineering) mà kết quả của chúng phần nhiều đem lại thảm họa vì đơn giản, lý tính của con người là hoàn toàn không đủ và không hoàn hảo. Những công cuộc social engineering này dự báo sẽ mang lại nhiều sự mâu thuẫn trong xã hội, có thể sẽ là nguồn cơn của nhiều cuộc xung đột lớn trong tương lai, đặc biệt là khi các nhà nước có xu hướng thất bại sau các công cuộc kiến tạo xã hội lớn, lâm vào thế tuyệt vọng chiến lược (strategic desperation), phải đi tìm kiếm lối thoát bằng chiến tranh. Một kịch bản khác nữa là khi những nhà nước này bị sụp đổi bởi các nỗ lực kiến tạo xã hội của họ, tạo ra một khoảng trống quyền lực (power vacumm). Một số ví dụ cho chuyện này bao gồm Đế chế thứ Ba của Hitler, di sản của Liên Xô đối với nước Nga, đặc biệt là trong cuộc chiến của họ với Ukraine hiện tại, hay đối với Trung Quốc, viễn cảnh sụp đổ nhân khẩu (demographic collapse). Nhưng đây không phải cơ chế gây xung đột duy nhất của các kiến tạo xã hội kiểu này.
3. Sau Cách mạng Pháp, chúng ta chứng kiến sự phình to ra của các đạo quân quốc gia đến mức khổng lồ, đạt đến mức đỉnh điểm vào Thế chiến thứ Hai. Từ Thế chiến thứ Hai đến nay, xu hướng đó đã có phần bị đảo ngược, do ảnh hưởng của bóng ma chiến tranh hạt nhân cũng như là nền hòa bình lâu dài ở châu Âu. Tuy nhiên, có một xu hướng vẫn tiếp tục, đó là sự mở rộng và sự chuyên sâu hóa của các cơ quan trong quân đội, hệ thống tổng động viên của mỗi quốc gia cũng như nền công nghiệp quốc phòng.Về tầng lớp sĩ quan
MacGregor Knox và Williamson Murray (2001) trong quyển The Dynamics of Military Revolution: 1300-2050 đã chỉ ra rằng các đạo quân thế kỉ 15, 16, 17 có tỉ lệ sĩ quan trên quân số rất thấp. Quân đội được chia thành các đơn vị như đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn. Đứng đầu các đơn vị này là các sĩ quan. Các sĩ quan này phải làm những công việc như tiếp thu tình báo, quản lí hậu cần, quản lí nhân sự, etc. một mình, hoặc với sự trợ giúp của vài phụ tá dưới quyền. Những phụ tá này có thể có kinh nghiệm với chiến tranh, nhưng hầu như ít ai có huấn luyện bài bản cho một vị trí công việc nhất định. Vì khối lượng công việc có thể rất lớn, nhất là với những đạo quân lớn, các vị chỉ huy có thể bị quá tải mà không có thời gian nhìn vào bức tranh toàn cảnh của chiến cục.
Những mầm mống cho sự hình thành của một cơ quan Tham mưu đã xuất hiện trong quân đội Áo vào nửa sau thế kỉ 18, nhưng phải đến khi Chiến tranh Cách mạng Pháp nổ ra, sức ép của chiến tranh mới đẩy nhanh sự ra đời của các ban tham mưu (military staff) - là những người phụ tá chuyên nghiệp cho các sĩ quan chỉ huy. Đây là một trong những bước đầu tiên của sự chuyên biệt hóa của quân đội.
Tiếp đến, do sự tập quyền hóa của các chính phủ cộng hòa, sự xóa bỏ các rào cản về giai cấp, ngành nghề, vùng miền, tôn giáo và do lí tưởng về “đất nước như tài sản chung của mọi người”, các đạo quân quốc gia khổng lồ được tạo ra. Nhu cầu huấn luyện và chỉ huy những đạo quân này dẫn đến việc thành lập các trường đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp, và trong mỗi đơn vị quân đội cũng có những thành phần chuyên huấn luyện tinh binh.
Tiếp bước người Áo, tầng lớp sĩ quan Pháp cho thấy tầm quan trọng của sự thức tỉnh chính trị. Việc tầng lớp sĩ quan quân đội cũ của Pháp tháo chạy ra nước ngoài gần hết, việc các sĩ quan cấp cao để bại trận bị xử tử liên tục, kết hợp với hệ tư tưởng cách mạng mới về bình đẳng, thể chế trọng người tài (meritocracy) và viễn cảnh thăng tiến chính trị thông qua vinh quang trên chiến trường, tất cả đều đẩy tầng lớp sĩ quan Pháp nói chung và cả quân đội Cách mạng Pháp nói riêng vào một sự hăng hái chiến trận tột cùng. Những thứ họ thiếu về kinh nghiệm và trình độ được khỏa lấp bằng sự hăng máu mới. Chuyện này tiếp cho chiến tranh một nguồn năng lượng chưa từng có trước đây. Những công sự, những pháo đài mà trước Cách mạng có thể làm chùn ý chí chiến đấu thì giờ đây ít còn ý nghĩa như vậy nữa. Một lợi thế nữa mà họ có đó là do lí tưởng quốc gia dân tộc, các sĩ quan Cách mạng ít phải lo lắng đến chuyện kiểm soát lính của mình hơn. Bản thân những người lính tin vào lí do mà họ chiến đấu, họ chủ động tấn công quân địch, họ ít đào ngũ hơn. Được giải phóng khỏi gánh nặng kiểm soát này, các sĩ quan có nhiều năng lượng hơn để nghĩ cách đánh bại quân địch. Tuy nhiên, Napoleon là một thiên tài: trớ trêu thay đến cuối cùng đó lại là một trong những hạn chế lớn nhất của ông ta. Ông ta dựa quá nhiều vào tài thao lược của mình mà không tạo ra một thể chế tản quyền hơn, có nhiều quyền tự chủ quyết định hơn. Đến giai đoạn 1813-1815, quy mô chiến tranh đã trở nên khổng lồ đến mức chưa từng có trong lịch sử, và ngay cả Napoleon cũng bị quá tải bởi khối lượng công việc.
Tiếp thu từ người Áo và người Pháp, chính người Phổ là dân tộc đã hoàn thiện hệ thống tham mưu và những điều cơ bản của hệ thống sĩ quan, đưa chúng về mô hình chúng ta biết ở thời hiện đại. Tất nhiên, mỗi nước khác nhau đều có hoàn cảnh chính trị xã hội khác nhau và quân đội của họ cũng phản ánh điều này, nhưng mô hình của Phổ cho chúng ta những điều căn bản nhất, những điều ngày nay chúng ta coi là đương nhiên. Trong bối cảnh sự quân phiệt hóa nói chung của toàn xã hội Phổ, việc thiết lập vĩnh viễn một thể chế giáo dục sĩ quan trẻ và kết hợp nó với triết lí giáo dục Bildung là đóng góp lớp nhất cho tiến trình tiến hóa quân sự nói chung của thế giới. Nhưng quan trọng nhất, như Murray và Knox (2001) đã chỉ ra, Gerhard von Scharnhorst, thầy của Carl von Clausewitz và là nhân vật chính trong quá trình cải cách quân đội Phổ, nhắm đến việc ban tham mưu không còn chỉ là phụ tá cho các chỉ huy, mà là hệ thần kinh trung ương đưa ra các quyết định quân sự quan trọng. Đó là một hệ thống dựa vào trí tuệ tập thể thay vì “một thiên tài đứng đầu”.
b. Về hệ thống quan liêu quân sự
Hệ thống quan liêu là gì? Ở trong tiếng Việt, quan liêu là một từ có hàm ý tiêu cực. Nó gợi đến những hình ảnh những người công chức nhà nước hách dịch, một mê cung các loại cơ quan hành chính, cùng một rừng các luật lệ với mục đích hành-là-chính. Trong tiếng Anh từ quan liêu với dạng tính từ (bureaucratic) cũng mang một phần hàm ý này, nhưng ở dạng danh từ (bureaucracy), nó chỉ đơn giản mang nghĩa chỉ một hệ thống quản trị một đất nước, một công ti hay một tổ chức được vận hành bằng một lượng lớn người, phải theo một luật một cách cẩn thận (theo từ điển Cambridge).
Hệ thống quan liêu mà chúng ta nói đến ở đây là mô hình mà nhà xã hội học vĩ đại người Đức Max Weber gọi là quan liêu pháp lý-lý tính (legal-rational bureaucracy). Đặc điểm cuả nó bao gồm:
_Tính lý tính (rationality): thẩm quyền của người lãnh đạo, người quản trị các cấp được quy định rõ ràng; mọi chức danh, khái niệm, luật lệ được định nghĩa và tiêu chuẩn hóa. Tổ chức phải có một mục tiêu rõ ràng và phương cách nó đạt được mục tiêu đó phải có cơ sở, dựa trên lí lẽ, logic.
_Tính phi nhân (impersonality): phi nhân tính khác với bất nhân tính. Phi nhân tính ở đây là sự vắng bóng của tính thiên vị, suồng sã, cảm tính, làm theo ý thích của con người trong một tổ chức. Mọi thứ đều phải đi theo thủ tục, quy trình, luật lệ.
_Tính pháp lí: quyền lực của một người ở một vị trí nhất định phải đến từ chức danh của người đó (office), chứ không đến từ sức thu hút (charisma) của người đó, mặc dù charisma có thể là một công cụ hỗ trợ đắc lực.
_Tính phi thế tập (non-hereditary) và tính vị năng lực (meritocracy): việc tuyển dụng, thăng chức phải dựa trên cơ sở năng lực, có quy trình tuyển chọn và thăng tiến được quy định rõ, không phải dựa trên quan hệ máu mủ, thân quen. Người nắm giữ một vị trí không có quyền trao lại vị trí đó cho người mà anh ta muốn, mà phải làm theo quy định.
_Tính công tư phân minh: việc công phải được phân tách rõ khỏi việc tư.
_Tính chuyên biệt hóa (specialization/division of labour) và tính tôn ti (hierarchy): mỗi người đi sâu vào nắm chuyên trách chỉ một mắt xích nhỏ của mỗi công việc. Thẩm quyền và chuyên môn được phân chia thành cấp bậc. Trong phạm vi của mình mỗi người sẽ có một mức mức độ kiến thức nhất định.
_Đặc điểm cuối cùng là việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu, dữ liệu của mọi công việc.
Từ những đặc điểm này, ta có thể thấy hệ thống quan liêu phổ biến và quan trọng đến như thế nào đối với xã hội hiện đại ngày nay, đến mức nó ảnh hưởng đến thế giới quan của chúng ta: chúng ta khó mà tưởng tượng ra một thế giới không hoạt động theo phong cách này. Nhưng đó là thực tế trong phần lớn lịch sử loài người, và quân sự cũng không phải ngoại lệ.
Francis Fukuyama (2011) đã chỉ ra ở Trung Quốc từ thời Xuân Thu Chiến Quốc đã xuất hiện bộ máy nhà nước quan liêu được kế tục và duy trì ở các thời đại sau, và ở một chừng mực nào đó nó cũng được áp dụng “tràn” sang lĩnh vực quân sự. Điều này thể hiện ở chỗ quân đội thường có chức quan, cấp bậc, lương bổng định kì, có bài kiểm tra năng lực đầu vào, có tôn ti và có mức độ phân công lao động khá cao. Nhưng chuyện này chủ yếu có mục đích quy phục quyền lực quân sự dưới trướng quyền lực dân sự (Fairbank, 1974). Tính quan liêu nằm ở sự quản lí của triều đình đối với quân đội, ít nằm trong bản thân quân đội.
Tương tự, một đối tượng tiềm tàng khác để nghiên cứu về tổ chức quan liêu trong quân đội trước thời hiện đại là nền văn minh La Mã cổ đại, cả trong thời kì Cộng Hòa lẫn thời kì Đế Chế. Sara Phang (2008) chỉ ra rằng quân đội La Mã qua các thời kì thể hiện một sự pha trộn giữa thẩm quyền truyền thống và thẩm quyền quan liêu lý tính như mô hình của Weber. Tính quan liêu thể hiện qua những đặc điểm như việc lưu trữ tài liệu, quản lí tài chính, quy định về kỉ luật, hợp đồng và lương hưu, tính chuyên môn hóa cao đối với một số vai trò hỗ trợ nhất định như quản lí, rèn đúc vũ khí, chăm ngựa. Nhưng một ảnh hưởng lớn hơn đến cách người La Mã vận hành quân đội của họ là truyền thống bảo trợ (patronage). Hoàng đế La Mã hay những quý tộc đóng vai trò người bảo trợ (patron), những người dưới quyền đóng vai trò như người được bảo trợ (client). Những người được bảo trợ này không coi chức danh của họ như một sự nghiệp, không phụ thuộc vào lương bổng từ chúng, không được kiểm tra hay huấn luyện bài bản, và sự thăng tiến của người dưới quyền phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người bên trên.
Như vậy, mặc dù một số yếu tố của của bộ máy quan liêu đã xuất hiện ở các quân đội trước thời hiện đại, bộ máy quân sự quan liêu triệt để như ta thấy ngày nay là một điểm đặc biệt, có một không hai trong lịch sử. Bộ máy này đặc biệt đối lập với truyền thống quý tộc quân sự (military aristocracy) vốn rất phổ biến đặc biệt trong thời kì Trung Cổ, trong đó quân sự là lĩnh vực của một đẳng cấp riêng, có tính cha truyền con nối, mang tính cá nhân cao, dựa trên thẩm quyền truyền thống và sức hút cá nhân của người chỉ huy, có mức độ phân công lao động thấp, có cung cách hoạt động không dựa trên luật lệ và dựa trên đạo (moral code).
Nhu cầu duy trì, kiểm soát và sử dụng những đạo quân quốc gia lớn kết hợp với sự phức tạp của công nghệ quân sự đã dẫn đến sự triệt để về tính quan liêu này. Nó xuất hiện ở trong tất cả các khía cạnh của quân sự hiện đại ngày nay, bất kể là ta xét đến cách phân loại nào. Sự kết nối chặt chẽ hơn trên toàn cầu cũng giúp các cường quốc nhận thức rõ hơn về các thế lực xung quanh mình, vô hình chung tạo thành một cuộc chạy đua quân sự không dứt.
Một số liệt kê dưới đây có lẽ là cần thiết để cảm nhận được sự phức tạp đến điên rồ của bộ máy quân sự của mỗi đội quân hiện đại.
_Theo binh chủng: trong mỗi binh chủng (lục quân, hải quân, không quân) lại có những nhánh nhỏ hơn. Lục quân có pháo binh, bộ binh, bộ binh cơ giới, thiết giáp, thông tin, tình báo, đặc nhiệm, phòng không, công binh, etc. Hải quân có lực lượng tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu tiếp vận, không quân hàng hải, radar, tình báo, lực lượng bảo vệ bờ biển, lực lượng thủy quân lục chiến, công binh hải quân, cứu nạn hải quân, đặc nhiệm. Không quân lại có nhánh chiến đấu, vận tải, ném bom chiến lược, phòng không, do thám, cứu nạn, công binh, đặc nhiệm.
_Theo tổ chức, mỗi nước sẽ có một hệ thống cơ quan riêng phù hợp với bối cảnh riêng của mình, ở đây ta sẽ miêu tả bộ máy của Mĩ: từ cấp cao nhất là Bộ Quốc Phòng (Department of Defense, DoD), xuống tiếp theo ta có ba bộ trực thuộc cơ quan quản lí các binh chủng Bộ Lục Quân (Department of the Army), Bộ Hải Quân (Department of the Navy), Bộ Không Quân (Department of the Air Force), ban tham mưu liên binh chủng (Joint Staffs). Bên cạnh các cơ quan này là Văn Phòng Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng (Office of Secretary of Defense). Trực thuộc Văn phòng này lại là hai nhóm cơ quan khác nhau, Defense Agencies và DoD Field Activities. Defense Agencies là cơ quan mẹ của gần 20 cơ quan con khác, còn DoD Field Activities cũng có đến 8 cơ quan dưới quyền. Để quản trị hoạt động quân sự tốt hơn, Bộ Quốc Phòng còn tổ chức thêm các Bộ Chỉ huy (Combattant Commands) dựa trên khu vực địa lý (Châu Phi, Bắc Mĩ, Nam Mĩ, Trung Đông và Trung Á, Châu Âu, Châu Á-Thái Bình Dương) và chức năng (an ninh mạng, hạt nhân, đặc nhiệm, vận tải).
Đấy mới chỉ là cơ quan điều hành cao cấp và phần lớn được nắm giữ bởi các quan chức dân sự. Khi xuống đến bản thân các đơn vị quân đội ta lại đi từ các bộ chỉ huy cấp Tập đoàn quân, xuống đến Quân đoàn, Sư đoàn, Lữ đoàn, Trung Đoàn, Tiểu Đoàn, Đại đội, Trung Đội, và Tiểu Đội. Các đơn vị càng lớn càng có bộ máy quan liêu đông đảo hơn với sự phân công lao động lớn hơn, mức độ tôn ti trật tự cũng lớn hơn, nhiều tổ chức ban ngành con hơn.
_Theo chức năng: ngoài những nhánh chức năng truyền thống như chiến đấu, hậu cần, huấn luyện và tình báo ra, ngày nay ta còn có thêm các cơ quan quan liêu phục vụ quân y (bệnh viên trực thuộc, viện nghiên cứu sinh hóa), tư pháp quân đội (tòa án binh, quân cảnh, điều tra hình sự quân đội), các cơ quan học thuật (viện nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu học thuyết, nghiên cứu chính sách, bảo tàng), quan hệ công chúng (truyền thông, tuyển dụng, hỗ trợ cựu chiến binh). Mỗi nhánh binh chủng lại có một loạt những cơ quan như bên trên cho mình, kèm theo bộ phận nghiên cứu phát triển vũ khí, công nghệ riêng.
Trong lòng các nhánh chức năng truyền thống cũng có sự phức tạp hóa khủng khiếp. Việc huấn luyện phải mở rộng ra cho từng loại binh chủng, chức năng, thậm chí từng loại khí tài.
Hậu cần giờ đây không còn chỉ là chuyện cung cấp lương thực và đạn dược cho binh lính. Nó còn là cung cấp loại đồ ăn nào, nguồn nước nào; cung cấp các loại đạn dược khác nhau cho các loại vũ khí khác nhau; cung cấp phụ tùng cho khí tài quân sự đặc thù; cung cấp các loại nhiên liệu, thay thế vũ khí, quân trang, quân dụng cho lính chiến; cung cấp cơ sở hạ tầng liên lạc, năng lượng, giao thông qua các điều kiện địa hình khác nhau; cung cấp thuốc men và thư từ và cơ sở giải trí cho binh lính. Hậu cần phải đảm bảo đáp ứng được định mức nhu cầu theo thời gian, trong khi phải làm điều này thông qua vận tải đường bộ, đường ray, đường thủy, không vận. Tất cả những nhiệm vụ này đều cần được quản lí, thực hiện và giám sát, và mỗi trong số chúng đều là công việc của các tập thể người, không phải cho các các nhân đơn lẻ. Cấp độ càng cao thì lại càng cần có bộ máy phức tạp điều phối hoạt động sao cho tiêu tốn ít tài nguyên nhất nhưng hiệu quả công việc lại cao nhất (lý tính hóa). Một xu hướng chung mà ta thấy trong quân đội chính quy của tất cả các nước trên thế giới là sự giảm tỉ lệ lính chiến và tăng tỉ lệ các thành phần hỗ trợ trong quân đội.
Tất cả những gì được liệt kê bên trên đây mới chỉ nằm trong phạm vi hẹp là một bộ quốc phòng. Một số quốc gia lớn còn có những tập đoàn lớn và hệ thống các nhà thầu nhỏ hơn chuyên phục vụ cho khối quân sự, tạo thành tổ hợp công nghiệp-quân sự (military-industrial complex).
Nếu như trong phần lớn lịch sử, các vị danh tướng là những người có khả năng lãnh đạo các khối quân lớn, dành được các chiến thắng vĩ đại trên chiến trường trong khi ít nhiều cũng quản lí các mặt khác như chiến lược, hậu cần, huấn luyện, thì đến thế kỉ 20, các vai trò này đều bị chuyên môn hóa sâu sắc, không ai nắm hết các nhiệm vụ vào một tay mình. Hình tượng “thiên tài quân sự” giờ đây trở thành hai thứ “thiên tài quản lí” và “thiên tài chiến thuật-chiến dịch”. George C. Marshall sẽ là một ví dụ tốt cho cái thứ nhất, và George S. Patton là hình tượng tốt cho cái thứ hai.
Sự mở rộng của hệ thống quan liêu là cách duy nhất để người ta quản lí những đạo quân quốc gia khổng lồ trong bối cảnh khoa học kĩ thuật quân sự đòi hỏi sự tổ chức và tính lý tính cao. Tất nhiên, hệ thống quan liêu nào cũng có sức ỳ và độ trễ của nó. Trong bối cảnh quân sự đòi hỏi luồng mệnh lệnh từ trên xuống dưới và luồng thông tin từ dưới lên trên phải thông suốt, mạch lạc, nhanh chóng, không bị biến dạng, đây là một trở ngại lớn. Đây là còn chưa kể hệ thống quan liêu mở ra những cơ hội cho sự tham nhũng mà có thể không xuất hiện trong một đội quân có tổ chức “nguyên thủy” hơn. Nhưng tựu chung lại, hệ thống quan liêu là một thứ làm tăng lên rõ rệt sức mạnh của quân đội, và trái với xu hướng ỳ ạch của nó, hệ thống quan liêu cũng chứa tiềm năng làm cơ sở cho những cuộc cải cách, cách tân quân đội một cách triệt để nhất. Quân đội có quan liêu là quân đội có năng lực thích nghi tốt nhất.
4. Sự nổi lên của ngành công nghiệp quốc phòng và các tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn trên thế giới có thể được gắn một phần lớn nguyên do cho sự phát triển của công nghệ. Ngành công nghiệp quốc phòng có một số đặc điểm đặc thù và nếu hiểu được về chúng, ta sẽ hiểu nhiều hơn về hình thái của xung đột trong thời hiện đại.
Thứ nhất, các tổ hợp công nghiệp quốc phòng có tính quốc gia cao, chịu nhiều chi phối bởi ngoại giao quốc gia. Ví dụ, vào thời điểm bài viết này đang được viết, người Mĩ đã gia các quy định cấm việc xuất khẩu chip và bán dẫn, máy móc sản xuất cũng như việc thiết kế chúng cho Trung Quốc, gián tiếp bóp nghẹt khả năng sử dụng vũ khí công nghệ cao của Trung Quốc trong trường hợp xung đột xảy ra. Trong nhiều trường hợp, chính các chính phủ là người sở hữu các tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Các quy luật kinh tế thị trường thông thường do vậy nhiều khi không thể áp dụng vào công nghiệp quốc phòng. Giá cả được công bố của các loại vũ khí, khí tài nhiều khi cũng không nói lên được gì nhiều về giá trị, công năng của chúng. (Theo quy luật giá trị cận biên, giá cả chỉ có thể xuất hiện trong lưu thông thị trường)
Thứ hai, tiếp nối luận điểm bên trên, nguyên lí về sản xuất quy mô lớn (economy of scale) rất khó áp dụng vào công nghiệp quốc phòng. Thậm chí có nhiều loại vũ khí tối tân, bởi vì số lượng của chúng quá ít và đòi hỏi quá nhiều giờ công lao động, việc sản xuất chúng có thể được ví như sản xuất thủ công. Điều này là bởi vì mặc dù bản chất của ngành công nghiệp quốc phòng là một ngành sản xuất kinh tế, nhưng tệp khách hàng của nó lại thường rất giới hạn. Trong hầu hết các phân khúc vũ khí, khí tài, người mua duy nhất là nhà nước. Mà nhu cầu quân sự của hầu hết các nhà nước dù có nhưng không cao và không liên tục. Chỉ có những nước có tham vọng đạt đến tầm cường quốc hoặc siêu cường thế giới và đã có sẵn một nền kinh tế-công nghiệp mạnh mới có khả năng và nhu cầu mua sắm lớn. Trung Quốc hiện nay là một ví dụ, hay như đối với người Đức trong cuộc chạy đua hải quân với người Anh cuối thế kỉ 19. Mĩ và Liên Xô trong thời kì Chiến tranh Lạnh cũng tạo ra những kho dự trữ vũ khí khổng lồ đề phòng cho một cuộc đại chiến thế giới mà họ hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng những chuỗi mua sắm nào cũng sẽ phải dừng. Việc sản xuất công nghiệp của các loại vũ khí, khí tài do vậy thường đi theo các đợt sản xuất (production run). Bản chất của vũ khí là một thứ hàng hóa chỉ có thể được tiêu thụ trong chiến tranh, mà chiến tranh thì khó xảy ra dẫn đến khó dự đoán nhu cầu tương lai. Thêm nữa, người ta khó mà dự đoán trước được hình thái của một cuộc chiến trong tương lai sẽ như thế nào, mà nếu sản xuất ra quá nhiều sẽ khiến cho chi phí duy trì ăn mất vào ngân sách còn dư để thu mua hay phát triển loại vũ khí mới. Do vậy, chỉ trong những cuộc chiến lớn, khi mà tình huống rõ ràng chỉ ra rằng cần phải có một nguồn cung lớn của những loại vũ khí, khí tài nhất định thì sản xuất công nghiệp mới có thể mở hết tốc lực sản xuất. Mà để đạt được đến trạng thái này, cần một sự tái tổ chức của các chuỗi cung ứng, các nhà thầu, sự mở rộng công suất sản xuất, cộng với điều chỉnh, lắp đặt thêm máy móc mới. Chuyện này tất nhiên cần rất nhiều thời gian. Trong nhiều trường hợp, những dây chuyền sản xuất sau khi bị đóng lại lâu ngày sẽ không thể được tái khởi động, hoặc mất rất lâu để tái khởi động do kiến thức cần có đã bị mai một. Tựu chung tất cả lại, ta có thể thấy công nghiệp quốc phòng luôn luôn đi trễ so với chiến tranh và luôn luôn phải bắt kịp với nhu cầu một khi chiến tranh xảy ra. Điều này có lẽ cũng đúng cho cả bộ máy quân sự nói chung. Ít có nước nào duy trì một lực lượng đủ cho chiến tranh và thời bình.
Thứ ba, cũng chính bởi vì tính chất cầm chừng của sản xuất và tính khó đoán của nhu cầu tương lai của chiến tranh, nên việc đầu tư vào phát triển công nghệ quốc phòng có thể là những cái “hố ngân sách” thực sự: không có triển vọng thu hồi vốn. Chỉ có những nước lớn mới có đủ tài lực để duy trì nghiên cứu phát triển công nghệ quốc phòng như một nhánh độc lập. Một giải pháp giải cứu là công nghiệp quốc phòng phải có một mối quan hệ mật thiết với công nghiệp dân sự. Công nghiệp dân sự sẽ gánh một phần gánh nặng nghiên cứu, trong khi có thể hưởng lợi từ một số bước đột phá của công nghệ quân sự, với mạng Internet hiện nay là một minh chứng.
Thứ tư, đối với hầu hết các nước muốn trang bị vũ khí khí tài cho quân đội mình, một bài toán khó xuất hiện. Có ba yếu tố “rẻ”, “tốt, hiện đại” và “của nhà trồng” tạo thành 3 đỉnh của một tam giác, nhưng mỗi nước chỉ có thể chọn hai trong ba, không thể chọn cả ba. Việc khởi động phát triển một nền công nghiệp quốc phòng là từ con số không là cực kì tốn kém, và khung thời gian thường lên đến 3-4-5 thập kỉ. Nếu một nước muốn vũ khí của mình “tốt, hiện đại” và “của nhà trồng”, thì chắc chắn nó không rẻ, ít nhất là trong 30-40 năm đầu. Nếu một nước muốn “rẻ” và “của nhà trồng”, thì thường sản phẩm của họ không thể nào so sánh với những thứ đứng đầu thị trường về tính năng. Mà trong chiến tranh nhiều khi chỉ một lợi thế nhỏ cũng dẫn đến tính trạng một bên hoàn toàn áp đảo so với bên kia (xe tăng Mĩ so với xe tăng Iraq do Liên Xô sản xuất trong Chiến tranh Vùng Vịnh). Còn lại, nếu muốn có vũ khí “rẻ” và “tốt, hiện đại” thì cách nhanh nhất là đi mua lại từ những ngành công nghiệp quốc phòng đã thành trưởng thành, như của Mĩ, Nga, Israel, Pháp. Tất nhiên, mỗi nước này lại có thể mạnh trong một phân khúc vũ khí cụ thể.
Nước Mĩ có lẽ là trường hợp ngoại lệ duy nhất trong đó, do một số điều kiện kinh tế-chính trị-lịch sử đặc thù, vũ khí Mĩ có thể nắm được cả đỉnh của tam giác. Một ví dụ cho chuyện này là một chiếc máy bay cường kích thế hệ 5 của Mĩ có thể có giá thành đơn vị còn thấp hơn một chiếc máy bay thế hệ 4 do Thụy Điển sản xuất. Tựu chung lại, ta có thể thấy hiện tượng “người thắng ẵm cả” trong sản xuất công nghiệp quốc phòng. Sự thống trị của tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mĩ là một trong những trụ cột quan trọng của sức mạnh quốc gia Mĩ, góp phần tạo nên Pax Americana ngày nay.
================================================
Ở phần tiếp theo chúng ta sẽ xét về tác động của công nghệ đến một khía cạnh khác của chiến tranh đó là sự bất ngờ chiến lược, thái độ của giới lí luận quân sự đối với các phát kiến công nghệ, và ảnh hưởng của những xã hội dân sự, dân chủ đối với cách chiến tranh được nhìn nhận.
================================================
Tài liệu tham khảo:
Bassford. (1997). Policy, Politics, War, and Military Strategy [Book]. Clausewitz.com. https://www.clausewitzstudies.org/readings/Bassford/StrategyDraft/index.htm
Doyle, W. (2018, September 5). The Oxford History of the French Revolution (3rd ed.). Oxford University Press.
Fukuyama, F. (2012, March 27). The Origins of Political Order: From Prehuman Times to the French Revolution (Reprint). Farrar, Straus and Giroux.
Handel, M. I. (1990). War, strategy and Intelligence. Frank Cass.
Kierman, F. J. A., & Fairbank, J. K. (2014, April 1). Chinese Ways in Warfare (Harvard East Asian) (Reprint 2014 ed.). Harvard University Press.
Knox, M., & Murray, W. (2001, August 27). The Dynamics of Military Revolution, 1300-2050 (1st ed.). Cambridge University Press.
Isserson, G. S., & Menning, B. (2013). The evolution of operational art. Combat Studies Institute Press, US Army Combined Arms Center.
Perun, P., & Perun. (2022, July 31). Defence economics, and the US production advantage [Video]. YouTube. Retrieved October 24, 2022, from
Phang, S. E. (2012, October 4). Roman Military Service: Ideologies of Discipline in the Late Republic and Early Principate (1st ed.). Cambridge University Press.
===============================================================
Chú thích:
(*) Giải thích cho chuyện này, ta phải hiểu được bản chất của quyền lực chính trị. Nếu ta không xét về những lí thuyết triết học biện minh cho sự tồn tại của các chính quyền (khế ước luận) mà xét trên thực tế, tại sao một chính phủ, dù bao gồm rất ít người, lại có thể cai trị, có quyền ra lệnh cho một số lượng người lớn hơn nó nhiều lần? Quyền lực chính trị đến từ sự liên kết của số đông. Mỗi cá nhân con người giống như một hạt cát trong một biển cát, còn chính phủ lại có sức mạnh, bởi vì nó có tổ chức, có tôn ti, trật tự, điều lệ, giống như một tảng đá. Mặc dù xét về khối lượng hay thể tích, tảng đá kém hơn so với một biển cát rất nhiều, nhưng sự liên kết của nó cho phép nó hành động như một thể thống nhất, mạnh mẽ hơn nhiều so với mỗi hạt cát trơ trọi. Các mối quan hệ ràng buộc khác của cá nhân như là gia đình, làng xóm, dòng họ, nghiệp đoàn, hội tôn giáo, các lãnh chúa phong kiến etc. có thể được coi như những hòn đá nhỏ hơn, ít nhiều cung cấp một sự che chở nhất định cho mỗi hạt cát cấu thành lên nó trước tảng đá lớn. Các hòn đá (hay ta có thể gọi là mối ràng buộc này) đều luôn tranh chấp với nhau sự trung thành của các hạt cát để làm tăng quyền lực của chúng. Nhưng khi những hòn đá nhỏ này bị nghiền nát, lòng trung thành của mỗi cá nhân sẽ chỉ còn một đích đến duy nhất: nhà nước.